Tại sao có kinh nguyệt, kinh nguyệt xuất hiện do đâu là câu hỏi tưởng chừng như rất dễ trả lời nhưng thực tế không phải ai cũng nắm bắt rõ, đặc biệt là những bạn gái mới bước vào giai đoạn dậy thì. Kinh nguyệt đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng sinh sản của nữ giới, do đó chị em nên chủ động tìm hiểu, nắm bắt những thông tin cần biết về “nguyệt san” để theo dõi cũng như chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình hiệu quả. Vậy nữ giới tại sao lại có kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt như thế nào là bình thường, bất thường? Mời bạn đọc cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra lời giải đáp.
Tại sao có kinh nguyệt?
Kinh nguyệt bao gồm máu, các mô niêm mạc tử cung và chất nhầy từ bên trong tử cung, đi ra ngoài qua cổ tử cung sau đó được đào thải khỏi cơ thể thông qua đường âm đạo. Đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển mà phái nữ cần phải trải qua, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của chị em.
Giải đáp câu hỏi tại sao có kinh nguyệt, các chuyên gia sản phụ khoa cho biết: kinh nguyệt hình thành do sự thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ. Cụ thể, trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có một quá trình gọi là giai đoạn rụng trứng, 1 – 2 trứng trưởng thành được giải phóng khỏi buồng trứng và di chuyển đến ống dẫn trứng để đợi tinh trùng.
Đồng thời với đó, các hormone được tiết ra cũng sẽ làm dày lớp niêm mạc tử cung nhằm tạo ra môi trường thuận lợi giúp trứng thụ tinh có thể làm tổ, hình thành và phát triển thai nhi.
Ngược lại, trong trường hợp trứng đã được giải phóng nhưng không gặp tinh trùng, không xảy ra sự thụ tinh thì phần niêm mạc tử cung sẽ bong ra gây chảy máu, cùng với dịch nhầy ở tử cung đi ra ngoài qua âm đạo và từ đó kinh nguyệt xuất hiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu có “nguyệt san” hàng tháng thì chứng tỏ rằng nữ giới không mang thai.
Nữ giới sẽ bắt đầu có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì với độ tuổi trung bình là 12, tuy nhiên tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà thời điểm kinh nguyệt xuất hiện có thể sớm hoặc muộn hơn (khoảng từ 8 – 16 tuổi). Trong vòng 1 – 2 năm đầu tiên, kinh nguyệt của các bạn nữ sẽ không đều do các cơ quan sinh sản mới phát triển và nội tiết tố chưa ổn định, sau đó sẽ dần dần đi vào “quỹ đạo”. Kinh nguyệt sẽ kết thúc khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, thông thường sẽ rơi vào khoảng từ 45 – 55 tuổi.
Vậy một chu kỳ kinh nguyệt là gì, thế nào là bình thường hay bất thường? Nếu bạn cũng đang băn khoăn về điều này thì hãy cùng chúng tôi tiếp tục theo dõi những chia sẻ sau đây.
Tìm hiểu chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ được sử dụng để nói đến những sự thay đổi về sinh lý dưới tác động của hệ hormone sinh dục, được lặp đi lặp lại ở cơ thể người phụ nữ và cần thiết đối với quá trình sinh sản. Một chu kỳ kinh nguyệt (vòng kinh) sẽ được tính từ ngày thứ nhất có kinh của kỳ này cho đến ngày “đèn đỏ” đầu tiên của kỳ tiếp theo đó.
Theo đó, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ được chia làm 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn kinh nguyệt (hành kinh): Trong chu kỳ kinh thì đây là giai đoạn đầu tiên, như chúng tôi đã chia sẻ thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện khi trứng không gặp được tinh trùng để thụ tinh, nồng độ hormone Estrogen và Progesterone giảm đi, lớp niêm mạc tử cung bị phá vỡ, bong ra và đào thải ra ngoài cùng máu và chất nhầy.
- Giai đoạn nang trứng: Diễn ra đồng thời với giai đoạn kinh nguyệt và kết thúc khi đến thời điểm rụng trứng. Tuyến yên sẽ giải phóng nội tiết tố nhằm kích thích buồng trứng sản xuất các nang nhỏ, bên trong chứa trứng chưa trưởng thành. Nang trứng khi trưởng thành sẽ làm hormone Estrogen thay đổi và niêm mạc tử cung dày lên.
- Giai đoạn phóng noãn (rụng trứng): Đây là giai đoạn mà nữ giới có khả năng mang thai cao nhất, khi trứng trưởng thành được giải phóng khỏi buồng trứng, đợi kết hợp với tinh trùng và thụ tinh. Trứng có thể sống được tối đa trong vòng 24 giờ đồng hồ, sau đó nếu không được thụ tinh thì trứng sẽ chết hoặc tiêu biến đi.
- Giai đoạn hoàng thể: Ở giai đoạn này, nếu như xảy ra sự thụ tinh thì hormone Gonadotropin sẽ đóng vai trò duy trì hoàng thể giúp quá trình mang thai đảm bảo an toàn. Còn khi không có sự thụ tinh thì hoàng thể sẽ bị co lại sau đó tái hấp thụ vào trong cơ thể, chuẩn bị bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới.
Thế nào là rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới?
Theo các chuyên gia sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài trung bình là 28 ngày, nhưng nếu vòng kinh xuất hiện đều đặn với khoảng cách giữa 2 chu kỳ từ 21 – 35 ngày thì vẫn là điều bình thường do còn tùy theo cơ địa của mỗi người. Thời gian “đèn đỏ” diễn ra từ 3 – 7 ngày, lượng máu mất đi sau mỗi chu kỳ thường vào khoảng 50 – 80ml.
Khi nào phụ nữ muốn quan hệ nhất
Tinh trùng có mùi gì? Có mùi hôi có sao không?
Chính vì vậy, nếu như “nguyệt san” có vấn đề bất thường so với những biểu hiện trên thì bạn đang gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều, khi diễn ra kéo dài cho thấy sức khỏe phụ khoa của chị em không ổn định và cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Cụ thể, những dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt mà chị em phụ nữ thường gặp bao gồm:
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh nguyệt quá dài (hơn 35 ngày) hoặc quá ngắn (dưới 21 ngày).
- Rong kinh: Thời gian có kinh nguyệt nhiều hơn 7 ngày gây mệt mỏi.
- Thiểu kinh: Lượng máu kinh mất đi trong chu kỳ ít hơn 20ml, số ngày có kinh chỉ kéo dài trong vòng 2 ngày hoặc ít hơn.
- Cường kinh: Lượng máu kinh nhiều bất thường, mất đi hơn 80ml mỗi chu kỳ.
- Nữ giới bị mất kinh nguyệt từ 3 chu kỳ trở lên.
- Ra máu bất thường mà không phải trong ngày kinh nguyệt, chảy máu sau khi quan hệ tình dục hoặc khi đã mãn kinh.
- Trong kỳ kinh nguyệt xuất hiện các triệu chứng ở mức độ nặng: Đau bụng dữ dội (thống kinh), buồn nôn thường xuyên, nôn ói, chuột rút…
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, điển hình như nội tiết tố thay đổi, các bệnh phụ khoa, chế độ ăn uống không đảm bảo, đột ngột tăng hoặc giảm cân, vận động quá sức, căng thẳng và áp lực tâm lý, do thuốc tránh thai… Rối loạn kinh nguyệt kéo dài có nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng về tâm lý, sinh hoạt thường ngày, đời sống tình dục và còn làm tăng tỷ lệ vô sinh hiếm muộn. Bởi vậy, khi nhận thấy các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt thì chị em phụ nữ tốt hơn hết nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị.
Một số dấu hiệu sắp có kinh nguyệt thường gặp
Ngoài việc tìm hiểu về vấn đề tại sao có kinh nguyệt, chị em cũng có thể tham khảo những dấu hiệu sắp đến ngày kinh nguyệt để chuẩn bị và trải qua những ngày “đèn đỏ” được dễ dàng hơn. Theo đó, các dấu hiệu có kinh trước 1 tuần thường gặp ở nữ giới là:
- Đau và chướng bụng dưới: Hiện tượng này xảy ra do lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc và tử cung sẽ phải co bóp để chuẩn bị đào thải kinh nguyệt ra bên ngoài. Càng gần đến ngày kinh thì tình trạng bụng căng tức, đau và khó chịu sẽ càng tăng lên, sau đó khi “đèn đỏ” xuất hiện thì triệu chứng đau bụng giảm dần và kết thúc.
- Ngực căng tức, đau nhẹ: Sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố Progesterone trước kỳ kinh nguyệt sẽ gây tác động khiến cho tuyến vú trở nên căng hơn bình thường, kèm theo mức độ đau ở mỗi người có thể nặng hay nhẹ khác nhau. Để cải thiện vấn đề này thì nữ giới nên mặc những loại áo lót thoải mái, massage ngực nhẹ nhàng.
- Da nhiều dầu và nổi mụn: Đây cũng là một trong các biểu hiện sắp có kinh nguyệt phổ biến, hình thành do trứng không được thụ tinh khiến nồng độ hormone Estrogen và Progesterone giảm đi. Trong khi đó nội tiết tố Androgen lại tăng lên khiến da tiết nhiều dầu hơn, là điều kiện thuận lợi để mụn trứng cá xuất hiện.
- Âm đạo tiết dịch: Khoảng một vài ngày trước khi đến “ngày dâu”, chị em phụ nữ thường sẽ thấy dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn, không có mùi hoặc chỉ hơi nồng nhẹ. Nguyên nhân là do tử cung đang tăng co bóp nhằm chuẩn bị đẩy máu kinh ra ngoài.
- Mệt mỏi, đau đầu: Các triệu chứng tiền kinh nguyệt gây khó chịu cộng với sự thay đổi hormone trước ngày “đèn đỏ” chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi, cơ thể khó chịu và uể oải. Ngoài ra, nồng độ nội tiết tố Estrogen gia tăng cũng làm cho serotonin trong não tăng lên, kết quả là chị em sẽ bị đau nhức đầu.
Như vậy, bài viết đã gửi đến bạn đọc lời giải đáp cho câu hỏi tại sao có kinh nguyệt và một số thông tin cần biết về chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Hy vọng rằng chị em phụ nữ đã cùng tham khảo, tự trang bị cho mình những kiến thức hữu ích liên quan đến kinh nguyệt giúp chăm sóc và bảo vệ cho sức khỏe của bản thân một cách an toàn, hiệu quả.